Đăng nhập

Thành phố Chí Linh

23/4/2023  |  English  |  中文

Tổng quan về Thành phố Chí Linh

Chí Linh là vùng đất thiêng, vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Trong bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, vùng đất Chí Linh được gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An, Bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, Đệ Nhị và Đệ Tam của Thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả…Thành phố Chí Linh có hàng trăm di tích, di chỉ; trong đó có 10 di tích được xếp hạng Quốc gia, khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng Quốc gia đặc biệt.
 
Điều kiện tự nhiên
 1. Vị trí địa lý 
Chí Linh là thành phố ở phía Bắc tỉnh Hải Dương, nằm giữa miền rừng núi phía Đông Bắc Bắc Bộ và miền đồng bằng châu thổ sông Hồng. 
+ Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang;
+ Phía Tây giáp tỉnh Bắc Ninh;
+ Phía Đông giáp thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh;
+ Phía Nam giáp các huyện: Nam Sách, Kinh Môn tỉnh Hải Dương
2. Khí hậu - Thủy văn
2.1. Khí hậu
Chí Linh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt, mùa khô hanh lạnh từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Nhiệt độ trung bình năm 23°C; tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 1 và tháng 2 (khoảng 10 - 12°C); tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 6 và tháng 7 (khoảng 37 - 38°C). Lượng mưa trung bình hàng năm 1.463 mm, tổng tích ôn khoảng 8.200°C, độ ẩm tương đối trung bình là 81,6%.
2.2. Thủy văn
- Chí Linh là nơi sông Lục Nam hợp lưu với sông Thương (xã Hưng Đạo); sông Thương hội lưu với sông Cầu (phường Phả Lại) thành sông Thái Bình; sông Đuống hợp lưu với sông Thái Bình (phường Cổ Thành); sông Kinh Thầy lấy nước từ sông Thái Bình (Cổ Thành), sông Đông Mai lấy nước từ sông Kinh Thầy (phường Văn Đức) chảy lên phía Bắc.
- Chí Linh có nguồn nước phong phú bởi có sông Kinh Thầy, Thái Bình, sông Thương, Đông Mai bao bọc, có kênh mương trung thủy nông từ Phao Tân đến An Bài dài 15,5 km chạy qua những cánh đồng canh tác chính của thành phố và cung cấp nguồn nước cho nhà máy điện Phả Lại quanh năm. Ngoài ra còn có 33 hồ đập với tổng diện tích 409 ha, đặc biệt có nguồn nước ngầm sạch trữ lượng lớn.
3. Tài nguyên
3.1. Tài nguyên rừng
Chí Linh có 14.470 ha đất đồi rừng, trong đó rừng trồng 1.208 ha, rừng tự nhiên 2.390 ha. Rừng tự nhiên có nhiều loại gỗ quý, ước khoảng 140.000 m³, có nhiều loại động thực vật đặc trưng cung cấp nguồn dược liệu cho y học. Rừng trồng chủ yếu là keo tai tượng, bạch đàn và rừng thông thuộc khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
3.2. Tài nguyên đất
- Tổng diện tích của Chí Linh là 282,917 km2 (28.291,74 ha)
- Đất Chí Linh được hình thành từ 2 nhóm chính, nhóm đất đồi núi được hình thành tại chỗ, phát triển trên các đá sa thạch; nhóm đất phù sa do sông Kinh Thầy và Thái Bình bồi tụ.
3.3.Khoáng sản
Khoáng sản Chí Linh tuy không nhiều về chủng loại, nhưng có loại có trữ lượng lớn và giá trị kinh tế như: đất cao lanh trữ lượng 40 vạn tấn, sét chịu lửa 8 triệu tấn, đá, cát vàng xây dựng, mỏ than nâu trữ lượng hàng tỷ tấn.
4. Diện tích tự nhiên
Thành phố Chí Linh có tổng diện tích tự nhiên là 282,917 km2 (28.291,74 ha)
 
Điều kiện xã hội
 1. Dân số và lao động
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2017 dân số thường trú của thành phố Chí Linh là 174.282 người và tạm trú (đã quy đổi) là 46.139 người. Trên địa bàn thành phố, ngoài dân tộc Kinh là chủ yếu, còn có 14 dân tộc thiểu số, với 985 hộ, 3.985 người; trong đó người Hoa, người Sán Dìu, người Tày chiếm số đông.
Số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn thành phố 101.061 người, lao động phi nông nghiệp đạt trên 82%. 
2. Hệ thống giao thông
- Đường sắt: Đường sắt quốc gia Kép - Hạ Long chạy qua khu vực Tây Bắc phường Sao Đỏ, dài 8,87 km khổ lồng 1.435 mm. 
- Đường bộ: Quốc lộ 18, kéo dài từ đông sang tây, nối liền hai vị trí chiến lược là Quảng Ninh với thủ đô Hà Nội; Quốc lộ 37 nối Quốc lộ 5 và QL 18 - đường vành đai chiến lược quốc gia.
- Đường thủy: Đường thủy có chiều dài 40 km đường sông bao bọc phía Đông, Tây, Nam thông thương với Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh. 
3. Kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố Chí Linh năm 2018 là 8,96%; quy mô nền kinh tế tăng nhanh; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng công nghiệp 57,3%; thương mại dịch vụ 32,6%; nông nghiệp giảm còn 10,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 75 triệu/người/năm.
- Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 11.598 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); trong đó công nghiệp sản xuất điện, nước đạt 5.656,22 tỷ đồng; công nghiệp khai thác đạt 92,03 tỷ đồng; công nghiệp chế biến đạt 4.296,93 tỷ đồng; xây dựng đạt 1,552,78 tỷ đồng. 
- Toàn thành phố có 1 Khu Công nghiệp và 04 Cụm công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất; tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gần 1.461 cơ sở (trong đó hộ cá thể là 1.393 cơ sở, 07 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài). 
- Thương mại, dịch vụ: tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 2.923 tỷ đồng. Một số trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại đi vào hoạt động (toàn thành phố 4 siêu thị; 7.361 cửa hàng bán lẻ). Các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, khách sạn, nhà hàng ăn uống, bảo hiểm, y tế... tăng nhanh; 100% xã, phường có bưu cục, điểm bưu điện văn hóa, 171/171 thôn, khu dân cư có đường truyền Internet.
- Nông - lâm - thủy sản đạt 2.109 tỷ đồng; trong đó giá trị nông nghiệp đạt 1.858,92 tỷ đồng; giá trị lâm nghiệp đạt 16,96 tỷ đồng; giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản đạt 232,18 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 157 triệu đồng/ha.
- Sản xuất cây ăn quả: Tổng diện tích cây ăn quả 6.783 ha; Diện tích cây vải 3.990 ha, sản lượng đạt 16.395 tấn; Diện tích cây Nhãn cho sản phẩm 612 ha, sản lượng đạt 2.953 tấn.
- Chăn nuôi, thủy sản: Đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng bán công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, chất lượng cao, như nuôi lợn, gà đồi; thương hiệu gà đồi Chí Linh từng bước khẳng định trên thị trường; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 21.153 tấn; Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản là 7.214 tấn.
4. Văn hóa-xã hội
4.1. Lễ hội truyền thống:
Hàng năm, trên địa bàn thành phố diễn ra nhiều lễ hội, tiêu biểu là lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc (tháng Giêng Âm lịch), lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc (tháng Tám Âm lịch) lễ hội Đền Cao (tháng Giêng Âm lịch), lễ hội Đền Sinh-Đền hóa (tháng Năm Âm lịch).
4.2. Công trình Văn hóa-Thông tin:
Trên địa bàn thành phố có 01 khu di tích lịch sử cấp Quốc gia loại đặc biệt gồm 2 di tích đó là: Đền Kiếp Bạc, Chùa Côn Sơn; 08 di tích lịch sử cấp Quốc gia; 15 di tích lịch sử cấp tỉnh. 100% các xã, phường có trung tâm văn hóa, thể thao, sân vận động, khu vui chơi; 100% các làng, KDC có nhà văn hóa, khu vui chơi, tập luyện TDTT; 21 điểm Bưu điện, Bưu cục.
4.3. Giáo dục:
- Hệ thống trường Mâm non, Tiểu học, THCS: 65/65 (100%) trường học công lập đạt chuẩn quốc gia.
- Hệ thống trường Trung học phổ thông; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên: Có 04 trường trung học phổ thông, 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; tổng số 145 lớp gồm 135 phòng học.
- Hệ thống trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp: Trường Đại học Sao Đỏ, Trường Cao đẳng Licogi, Trường Trung cấp nghề cơ giới đường bộ.
4.4. Y tế
Hệ thống y tế trên địa bàn thành phố: Trung tâm y tế thành phố Chí Linh (sáp nhập Bệnh viên đa khoa, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình) diện tích 26.000 m2 với quy mô 268 giường bệnh, Bệnh viện Phong diện tích 140.000 m2 với quy mô 135 giường bệnh, Trung tâm nuôi dưỡng Tâm thần diện tích 47.000 m2 với quy mô 420 giường bệnh; 19 trạm y tế các phường, xã; 01 trạm y tế trường Đại học Sao Đỏ; 01 trạm y tế Công ty cổ phần Trúc Thôn;
Đến nay, 100% xã, phường đã đạt chuẩn Quốc gia về y tế.
 
Hành chính sự nghiệp
 - Thành phố Chí Linh có 19 đơn vị hành chính cấp xã gồm 14 phường: Phả Lại, Văn An, Chí Minh, Sao Đỏ, Thái Học, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Bến Tắm, An Lạc, Đồng Lạc, Hoàng Tiến, Văn Đức, Tân Dân, Cổ Thành và 05 xã: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Lê Lợi, Nhân Huệ.
- Trung tâm hành chính của thành phố đặt tại phường Sao Đỏ.