Đây là chính sách đầu tiên về tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù được triển khai, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, ổn định xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự tại điểm cầu TP có Đ/c Nguyễn Văn Thưởng PCT UBND TP, lãnh đạo một số phòng ban, đoàn thể của TP, Ngân hàng CSXH TP, chủ tịch UBND các xã, phường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được triển khai, quán triệt các nội dung trong Quyết định số 22, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an về việc thực hiện chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Theo đó, đối tượng được vay vốn trong quyết định này bao gồm: Người chấp hành xong án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá; cơ sở sản xuất - kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn được vay để đào tạo nghề đối với người chấp hành xong án phạt tù tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người. Người chấp hành xong án phạt tù cũng có thể được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm. Đối với đối tượng là cơ sở sản xuất - kinh doanh, được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất - kinh doanh. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các cấp chính quyền cơ sở hỗ trợ rà soát, cung cấp danh sách đối tượng để đảm bảo chính sách tín dụng đạt hiệu quả; yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn phân bổ theo đúng quy định, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, giúp người chấp hành xong án phạt tù có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách nhân văn mà đối tượng thụ hưởng là những người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định này được kỳ vọng mở thêm cơ hội, tạo điều kiện cho những người lầm lỡ khi trở về địa phương có nguồn vốn để phát triển kinh tế, nuôi sống bản thân và gia đình. Đồng thời cũng khuyến khích các cơ sở kinh doanh mạnh dạn tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc, góp phần vào sự phát triển của xã hội nói chung và của địa phương nói riêng. Hiện cả nước có trên 2.000 người đã chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn với tổng số vốn khoảng 138 tỷ đồng.
Tuấn+ Hưng