Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư- cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025, đến nay, 63/63 địa phương đã kiện toàn ban chỉ đạo cấp tỉnh; 27/63 địa phương báo cáo có quy định về thành lập ban chỉ đạo cấp huyện; 13/63 địa phương báo cáo hoàn thành việc kiện toàn, thành lập các ban quản lý cấp xã.
Tính đến ngày 31/8/2022, tổng vốn đầu tư, phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia đã giải ngân trên 178 tỷ đồng, đạt 0,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Ước đến ngày 30/9/2022, các địa phương sẽ giải ngân được trên 926 tỷ đồng, đạt 3,86% kế hoạch. . Một số địa phương sau khi hoàn tất công tác giao vốn đã tập trung triển khai thực hiện và có kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngần sách Trung ương đạt khá như: Tây Ninh (74,55%); Lạng Sơn (26,1%); Hậu Giang (21,5%).
Hiện nay cả nước có trên 5.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 71,2%, tăng 12 xã so với tháng 8 năm 2022. Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025: duy trì mức giảm 1- 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4- 5%/năm. 46/63 tỉnh đã cân đối, bố trí 13.808,776 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các chương trình MTQG.
Tại phiên họp, các ngành, địa phương tiến hành báo cáo, làm rõ thêm về những kết quả đã làm được trong 9 tháng đầu năm 2022; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất những kiến nghị, giải pháp đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình MTQG trong thời gian đến.
Tại Hải Dương, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021-2025; ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và kế hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025. Đến nay, toàn tỉnh đã có 178/178 xã đạt chuẩn NTM; 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 12/12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hải Dương phấn đấu đến cuối năm 2022 có 59 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Về chương trình MTQG về giảm nghèo, tỉnh đã ban hành các kế hoạch: thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2022; tăng cường công tác giảm nghèo, thi đua vì người nghèo… Tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình trợ cấp cho người nghèo như khám chữa bệnh miễn phí, miễn giảm học phí, xây nhà ở, tư vấn pháp luật miễn phí… Tỷ lệ hộ nghèo của Hải Dương là 2,15%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,24%.
Hải Dương đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030" để làm cơ sở cho các địa phương triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tách hộ nghèo không có khả năng lao động khỏi chỉ tiêu giảm nghèo và có chính sách hỗ trợ riêng cho đối tượng này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: 9 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 10 nghị quyết, 4 văn bản, 3 hội nghị trực tuyến, điều này thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ về công tác giải ngân vốn đầu tư công nói chung và giải ngân các chương trình mục tiêu nói riêng. Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên 9 tháng đầu năm cả nước vẫn chưa đạt được tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch, thấp hơn năm 2021. Vì vậy yêu cầu đặt ra là cần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy nhanh quá trình giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu trong tháng 10, các Bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp lý còn thiếu để các địa phương làm căn cứ thực hiện, việc triển khai cần chủ động, tránh manh mún.