Đăng nhập

Thành phố Chí Linh

23/4/2023  |  English  |  中文

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM DỊP CUỐI NĂM

...

 Cúm gia cầm H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút. Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong.

Theo đặc điểm dịch tễ của bệnh cúm gia cầm, với điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay sẽ làm giảm sức đề kháng của gia cầm, thích hợp cho mầm bệnh phát sinh, phát triển, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là khá cao. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn TP đã xuất hiện dịch cúm H5N6 tại 1 số xã, phường. 

Để tăng cường phòng chống dịch, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại và sự nguy hiểm của vi rút Cúm H5N6; yêu cầu người chăn nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường hoặc nghi ngờ mắc bệnh; tuyệt đối không được giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh, giết mổ, vứt xác gia cầm chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; không buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.

Tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận trang trại, hộ chăn nuôi, hộ ấp nở gia cầm; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm tại địa phư­ơng để phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết, nghi nhiễm vi rút cúm gia cầm để có các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi; thực hiện nghiêm túc việc vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại khu vực ổ dịch, vùng có nguy cơ cao, các chợ, hộ kinh doanh, chăn nuôi có mẫu dương tính với cúm A/H5N6 theo hướng dẫn và giám sát của cơ quan thú y.

UBND các xã, phường, nhất là địa phương có số lượng gia cầm lớn tăng cường thống kê, rà soát số lượng gia cầm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm soát dịch bệnh, không để dịch lây lan. Nếu dịch xảy ra cần lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch. Đồng thời, lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch. Xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền các địa phương nếu lơ là, không làm tốt công tác phòng, chống dịch./.