Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái với pháp luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 gồm 5 Điều luật cụ thể sau: Điều 142 - Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144 - Tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145 - Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Điều 146 - Tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi; Điều 147 - Tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Trong đó, người phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an thành phố Chí Linh đã phát hiện, xử lý 03 vụ án về các tội xâm hại tình dục trẻ em với 03 trẻ bị xâm hại (01 vụ Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 01 vụ giao cấu, 01 vụ cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đối. Trên thực tế, số lượng các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có thể nhiều hơn nhưng vì tâm lý e ngại, xấu hổ hoặc do sợ sệt nên nạn nhân và người nhà nạn nhân còn giấu giếm, không dám công khai tố cáo hành vi tội phạm vì vậy, có một số vụ việc không được phát giác kịp thời; công tác điều tra, xử lý đối với tội phạm gặp khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em là ảnh hưởng của lối sống thực dụng, biến chất, tác động của phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy, nhất là sự bùng nổ, khó kiểm soát của internet, mạng xã hội, tác động, ảnh hưởng của những hiện tượng xã hội tiêu cực đến tư tưởng, hành vi, lối sống của một bộ phận giới trẻ, thậm chí cả người lớn; nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, kỹ năng phòng vệ và tự bảo vệ bản thân của trẻ còn yếu, thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, định hướng của cha mẹ, nhà trường, xã hội trước nguy cơ bị xâm hại hoặc tiếp xúc môi trường xấu, độc hại ảnh hưởng đến suy nghĩ, ứng xử của trẻ. Bên cạnh đó, nạn nhân chưa nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm tiềm ẩn từ các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ quen biết, tình yêu qua mạng Internet. Đây là cơ hội để những đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân dụ dỗ, lôi kéo và thực hiện hành vi phạm tội đối với nạn nhân.
Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là nỗi đau về tinh thần. Các nạn nhân thường có tâm lý bất an, lo sợ, thậm chí bị suy sụp, ngại giao tiếp với xã hội, bị sang chấn tinh thần. Do đó chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hình sự, hôn nhân gia đình, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho quần chúng nhân dân. Công tác này cần có sự chung tay, phối hợp của các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan. Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội của các đối tượng thực hiện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho quần chúng nhân dân được biết; mặt khác hướng dẫn cho quần chúng nắm được các biện pháp phòng ngừa tội phạm, bảo vệ chính con em của mình.